TỨ QUÝ VÀ Ý NGHĨA ẨN DỤ ÍT NGƯỜI BIẾT (PHẦN 1)
Tùng - Cúc - Trúc - Mai là bốn loài cây tượng trưng cho bốn mùa trong năm, đồng thời dân gian Trung Quốc tin rằng bốn loài cây này ẩn chứa những khí chất của người quân tử cần học hỏi, lấy đó làm gương răn mình. Họa tiết tứ quý được sử dụng để trang trí cho rất nhiều vật dụng trong gia đình nhưng ít người hiểu rõ được ý nghĩa ẩn dụ sâu bên trong của nó. Hãy cùng Mỹ nghệ Đồng Nhân tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết này nhé.
Tùng
Ý nghĩa chữ “tùng”
Trước hết là (松) tùng. Xét về mặt văn tự, chữ “tùng” trong tiếng Hán biểu thị ý nghĩa nam tính, mạnh mẽ, cứng cỏi. Đúng với tính chất của cây tùng: sức sống dẻo dai, vượt lên giá rét. Dù ở nơi sa mạc hay vách đá cheo leo, bốn mùa cây tùng đều tươi xanh cành lá. Hình ảnh cây tùng vượt lên giá rét sánh cùng cành mai thanh cao trở thành bài học về ý chí, phẩm giá thanh cao và sức sống mãnh liệt.
Ý nghĩa cây “tùng”
Trong tiếng Việt, tùng còn gọi là thông. Phi lao cũng được xếp vào họ thông. Chúng đều là những loài cây có sức sống dẻo dai, chịu được giá rét, khô hạn. 松 Tùng trong tiếng Hán và tùng/ thông trong tiếng Việt đều được ví với những phẩm chất cao thượng, đức tính kiên trung, lòng nhẫn nại, ý chí tự lực tự cường, trọng nghĩa khinh tài, luôn vươn lên gian khó, hoàn thiện mình để chiến thắng mọi thử thách của nghịch cảnh mà con người phải đối mặt. Ngoài ra, tùng còn là biểu trưng cho sức khỏe, sự hưng thịnh lâu bền, mối kết giao bè bạn lúc hoạn nạn khó khăn, tình cảm vợ chồng hòa thuận.
Bên cạnh đó, trong xã hội phong kiến, khá nhiều kẻ sĩ không gặp thời, thất cơ lỡ vận, đã thể hiện thái độ bất hợp tác với giai cấp thống trị bằng cách trở về sống cuộc sống ẩn dật, hòa mình vào thiên nhiên, vui với ruộng vườn, non nước trời mây. Tùng cũng được dùng để ví với cuộc sống ẩn dật, làm bạn với non cao, tùng xanh, hạc gầy, suối trong, mây trắng, giữ cho phẩm giá thanh cao.
Cây “tùng” trong đời sống
Từ khía cạnh thẩm mĩ giữa hai giới nam và nữ của người phương Đông nói chung và người Việt Nam cũng như người Trung Quốc nói riêng, vẻ đẹp của nam giới thể hiện ở sự rắn chắc, khỏe mạnh, hào phóng; vẻ đẹp của nữ giới thể hiện ở sự uyển chuyển, mềm mại, duyên dáng. Vì vậy, trong tiếng Hán và tiếng Việt, Tùng thường được dùng để đặt tên cho nam giới. Trường hợp đặt tên cho nữ giới rất ít gặp và được coi là trường hợp đặc biệt, thể hiện ước vọng con gái cũng mạnh mẽ như con trai.
Cúc
Hoa Cúc chỉ là loài cây thân thảo có đời sống chỉ vỏn vẹn trong một năm ngắn ngủi không như những loài cây thân gỗ khác trong tứ quý, do đó có một sự thắc mắc không nhỏ rằng tại sao bốn loại cây tượng trưng cho khí phách quân tử lại có Cúc?
Hoa Cúc vốn được gọi với một cái tên khác đó là Hoa Vạn Thọ, sinh trưởng và nở hoa mạnh trong tiết trời mát lạnh cho sắc hoa rực rỡ nhất. Cúc là loài hoa thể hiện sự cao sang và quyền quý. Cúc Vạn Thọ có ý nghĩa là trường thọ vì vậy được người Trung Quốc sử dụng rất nhiều trong tiệc mừng họ và dịp đầu năm mới. Đặc biệt xuất hiện trong bộ tứ quý, Cúc còn là biểu tượng của sự "hiên ngang" bởi khi hoa tàn chỉ rủ xuống chứ không hề rụng cánh. Đây là thể hiện rõ nhất của câu nói: “Thà chết đứng còn hơn sống quỳ”.
Do đó những người làm chức cao có nhiều sự dụ dỗ xung quanh nên treo tranh có hoa Cúc như để căn dặn bản thân đừng vì những cái lợi trước mắt mà bán rẻ nhân cách của mình.
Bên cạnh đó, hoa cúc còn thuộc vào hàng 4 loài hoa quý của Trung Quốc trong bộ tranh Mai - Lan - Trúc - Cúc. Trong phong thuỷ, nguồn năng lượng của hoa cúc đem đến cho gia đình không khí hài hoà và cuộc sống bình yên. Đặc biệt, bức tranh hoa cúc trong bộ tranh gỗ tùng cúc trúc mai còn mang ý nghĩa trường thọ (bởi tên Vạn Thọ) và phúc lộc dồi dào.
(*Bài viết được Mỹ nghệ Đồng Nhân sưu tầm từ bài nghiên cứu “Ý nghĩa ẩn dụ của tùng, trúc, mai trong tiếng hán và tiếng việt” của Phạm Ngọc Hàm và Lê Thị Kim Dung)