$nbsp;

X

HOTLINE:0916763369
Địa chỉ:22B Đường Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

MỌI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LINH THÚ TRONG VĂN HÓA VIỆT (PHẦN 3)

Linh thú trong văn hóa Việt Nam là những loài vật được tin là có linh tính, là biểu trưng cho các sức mạnh siêu nhiên. Trong đó Tứ linh được coi là thiêng liêng nhất. Tại phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về Long và Lân, hãy cùng Mỹ nghệ Đồng Nhân tìm hiểu về 2 trong số Tứ linh còn lại qua bài viết này.

QUY (rùa)

moidieucanbietvelinhthutrongvanhoaviet6

Rùa là con vật biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Rùa mang chiếc mai hình vòm trên lưng, biểu tượng cho bầu trời và phần mai phẳng dưới bụng biểu tượng cho mặt đất. Những đường rãnh ở phần trên của mai rùa tương ứng với chòm sao Đại Hùng trên trời, biểu thị cho nguyên lý dương. Những đường rãnh ở phần dưới mai rùa tương ứng với mặt đất, biểu thị cho nguyên lý âm.

Rùa cũng là hiện thân của sự kết hợp từ nhiều loài khác: đầu rắn, cổ rồng, chân vịt. Rùa còn được coi là biểu tượng của sự ổn định và vững chắc. 4 chân rùa tượng trưng cho 4 cực của thế giới.

Trong kiến trúc và trang trí Việt Nam, rùa thường được thể hiện cùng các linh vật khác thuộc bộ tứ linh, nhưng phổ biến nhất là hình tượng “rùa đội bia” và “rùa đội hạc” trong các đình, chùa và trong Văn Miếu Thăng Long và Văn Miếu Huế.


PHỤNG (Chim phượng)

moidieucanbietvelinhthutrongvanhoaviet

Chim phượng được tôn vinh là vua của các loài chim, được sinh ra từ mặt trời và lửa. Chim trống gọi là PHƯỢNG, biểu tượng cho phúc lộc, chim mái gọi là HOÀNG, biểu tượng cho hoàng hậu, xuất hiện bên cạnh hình tượng rồng biểu tượng cho vua. Loài linh điểu này cũng là hiện thân của nhiều loài vật khác: cổ rắn, mỏ gà, đuôi chẻ như đuôi cá, trán của chim hạc, mào của vịt xiêm, thân có những dấu vằn của rồng và phần đằng sau cuốn vòm như con rùa. Lông chim phượng có 5 màu, tiếng hót của phượng hoàng như tiếng nhạc và có 5 biến điệu diệu kỳ. Chim phượng cũng là biểu tượng của hiền đức, không giết hại côn trùng, làm hại cây cỏ. Chim phượng cư ngụ trên cây ngô đồng, ăn hạt hoa trúc, uống nước ở các dòng thác. Trứng của chim phượng là thức ăn của các vị thần tiên.

Theo truyền thuyết, chim phượng chỉ xuất hiện trong những triều đại thái bình, thịnh trị. Nó là biểu tượng của mặt trời, của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng. Trong mối tương quan về phương hướng, chim phượng cư ngụ ở phương Nam nên ứng với quẻ dương; nhưng trong mối tương quan về giới tính thì chim phượng biểu thị cho yếu tố âm, trong khi rồng biểu thị cho yếu tố dương.

Trong kiến trúc và trang trí thời Nguyễn, hình tượng chim phượng thường xuất hiện nơi các cung điện hay trên trang phục dành cho hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, được thể hiện bởi 3 hay 5 chiếc đuôi, phân biệt với chim loan, là biểu tượng của công chúa, chỉ có 1 chiếc đuôi. Trong kiến trúc đình miếu dân gian, hình ảnh phượng hoàng thường gắn với nơi thờ các vị nữ thần.

Vì là một loài chim nhân từ, hiếu sinh nên chim phượng cũng là linh điểu của Phật giáo. Nhiều công trình kiến trúc và trang trí Phật giáo có sự xuất hiện khá phổ biến của chim phượng. Khi khai quật Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều tượng đất nung thể hiện hình đầu chim phượng. Điều này được lý giải là do các triều đại Lý - Trần chọn Phật giáo làm quốc giáo và chim phượng là linh điểu của nhà Phật nên hình tượng chim phượng được thể hiện và lưu dụng khá phổ biến trong thời kỳ này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những pho tượng đất nung hình đầu chim phát hiện ở Hoàng Thành Thăng Long không phải là tượng chim phượng mà là tượng của đại bàng KIM SÍ ĐIỂU. Tiền kiếp của loài đại bàng này là chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ, là vật cưỡi của thần Visnu. Về sau, Garuda hóa thân thành đại bàng kim sí điểu, một trong “Bát bộ chúng” của nhà Phật.

 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
**Bài viết được Mỹ nghệ Đồng Nhân sưu tầm từ báo văn nghệ công an của nhà báo Trần Đức Anh Sơn