$nbsp;

X

HOTLINE:0916763369
Địa chỉ:22B Đường Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

MỌI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LINH THÚ TRONG VĂN HÓA VIỆT (PHẦN 1)

Linh thú trong văn hóa Việt Nam là những loài vật được tin là có linh tính, là biểu trưng cho các sức mạnh siêu nhiên. Hãy cùng Mỹ nghệ Đồng Nhân tìm hiểu về những loài linh thú linh thiêng trong văn hóa Việt Nam qua bài viết này. 

BỘ TỨ LINH

Đứng đầu trong các linh thú được người Việt tôn vinh là “tứ linh”, gồm: LONG (rồng) - LÂN (kỳ lân) - QUY (rùa) - PHỤNG (chim phượng). Theo quan niệm của người xưa, loài vật trong tự nhiên được phân thành 5 loài: LÔNG TRẦN (đứng đầu là con người), LÔNG VŨ (đứng đầu là chim phượng), LÔNG PHỦ (đứng đầu là kỳ lân), GIỐNG CÓ VẢY (đứng đầu là con rồng) và GIỐNG CÓ MAI (đứng đầu là con rùa). Do vậy, 4 loài thú: rồng, kỳ lân, rùa và chim phượng được tôn xưng là những linh thú cao quý và được chọn làm biểu tượng, chủ đề điêu khắc, trang trí, thờ tự trong các công trình kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa và tín ngưỡng của nhiều dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam.

LONG (rồng)

moidieucanbietvelinhthutrongvanhoaviet-2

Họa tiết rồng thường xuất hiện trên trang phục của vua chúa thời xưa, bởi nó tượng trưng cho sức mạnh vô song

Theo sách “Thuyết văn giải tự”, trong 389 loài bò sát có vảy thì rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, là biểu tượng của phương Đông (tả thanh long) và của mùa xuân. 

Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hay không gian cư trú. Rồng là con thú có sự kết hợp của 9 loài khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. 

Người Trung Quốc phân chia rồng thành 3 loại chính: LONG là giống có quyền lực nhất và thường cư ngụ ở trên trời; LY là loài rồng có sừng và sống dưới đáy biển; và GIAO là giống rồng mình phủ đầy vảy, thường sống trong các đầm lầy hoặc trong hang sâu trên núi.

Khác với người Hoa, người Việt khá thống nhất trong quan niệm về con rồng, cả hình dáng lẫn tính chất. Từ đầu thời tự chủ (thế kỷ X) đến khi triều Nguyễn cáo chung (năm 1945), hình tượng con rồng Việt có những biến đổi về hình dáng, thể hiện qua các chi tiết về râu, sừng, vây lưng, đuôi, sự uốn lượn của thân…, nhưng trên đại thể thì hình ảnh và tính chất của con rồng Việt dưới các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn tương đối thuần nhất: rồng là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy.

Tuy vậy, trong tâm thức của người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu vũ… trong dân gian. Tuy nhiên, nhà nước phong kiến có những quy định khá chặt chẽ trong việc sử dụng hình tượng con rồng. Chẳng hạn, từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn, chỉ có vua và thái tử mới được sử dụng hình ảnh rồng 5 móng; các hoàng tử thứ 2, 3, 4 chỉ được dùng hình ảnh rồng 4 móng; từ hoàng tử thứ 5 trở xuống chỉ được dùng hình ảnh rồng 3 móng hay các biểu tượng gần gũi của rồng như con giao, con cù. Con rồng trang trí trong các đình chùa của dân gian cũng chỉ có 4 hoặc 3 móng.
moidiecanbietvelinhthutrongvanhoaviet3
Rồng trong
Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế

Con rồng được người Việt thể hiện trên các bờ nóc, bờ mái, cổ diêm, y môn, cột trụ, bậc cấp… của cung điện, đình chùa, miếu vũ… bằng các thủ pháp: điêu khắc, chạm trổ, đắp vữa, khảm sành sứ, vẽ bằng bột màu, thêu thùa… Có khi rồng được đúc thành tượng để bài trí trước các công trình kiến trúc như cặp rồng bằng đồng đúc vào năm 1842 đặt trước Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế.

 

**Bài viết được Mỹ nghệ Đồng Nhân sưu tầm từ báo văn nghệ công an của nhà báo Trần Đức Anh Sơn