TỨ QUÝ VÀ Ý NGHĨA ẨN DỤ ÍT NGƯỜI BIẾT (PHẦN CUỐI)
Ở 2 phần trước, Mỹ nghệ Đồng Nhân đã đem đến cho các bạn những thông tin về ý nghĩa ẩn dụ đằng sau 3 loài cây trong bộ tứ quý tùng - cúc - trúc - mai mà ít người biết đến. Hãy cùng Mỹ nghệ Đồng Nhân tìm hiểu về loài cây cuối trong bộ tứ quý - cây mai trong phần cuối cùng này nhé.
Ý nghĩa chữ “mai”
Chữ 梅 mai là chữ hình thanh, gồm 木 mộc (kiều mộc: cây cao) biểu nghĩa và 每 mỗi biểu âm. “Hán ngữ quy phạm từ điển” giải thích rằng, đây là loài cây “… chịu được giá rét, chủng loại nhiều, ra hoa vào đầu xuân, hoa có năm cánh, hương thơm đậm đà…” Về mặt ý nghĩa, trong hầu hết các bộ từ điển tiếng Hán đều chỉ đưa ra nhiều nhất là năm nghĩa của 梅 mai , gồm (1) cây mai; (2) quả mai; (3) hoa mai; (4) mùa mai vàng; (5) họ Mai.
Về mặt ý nghĩa từ vựng cơ bản, tùng, trúc, mai đều là những từ có số lượng nghĩa tương đối ít. Chỉ riêng mai có tới 5 nghĩa, trừ họ Mai ra, 4 nghĩa còn lại đều dùng để chỉ bản thân cây, hoa, quả mai và một nghĩa mang tính biểu trưng là mùa mai vàng. Điều đó chứng tỏ nghĩa ẩn dụ của ba từ này chủ yếu là nghĩa ẩn dụ lâm thời được tạo ra qua quá trình sử dụng ngôn ngữ..
Ý nghĩa cây “mai”
Từ đặc tính của mai, người xưa đã liên hệ đến phẩm chất và đời sống tinh thần của con người. Màu trắng và màu hồng của hoa mai (bông hoa mai Trung Quốc) khiến cho mai mang ý nghĩa biểu trưng của sự thanh khiết, cao nhã. Sức sống mãnh liệt vượt lên giá rét để có thể nở hoa vào cả những ngày đông giá và báo hiệu xuân sang đã khiến cho hoa mai được ví với sức sống mãnh liệt của con người. Dáng vẻ thanh mảnh của cây mai, nhành mai khiến người ta liên tưởng đến thân hình thon thả của người con gái. Cành mai nảy lộc, đơm hoa, tỏa hương sắc ngày xuân khiến người ta liên tưởng đến một năm mới đến với biết bao hạnh phúc. Vì vậy, mai còn được ví với tình cảm dồi dào, tài lộc giàu sang.
Bông hoa mai trong văn hóa Việt Nam
Mai trong con mắt của người Trung Quốc và người Việt Nam không chỉ đẹp về sắc màu và năm cánh nở đều, tượng trưng cho ngũ phúc, gồm niềm vui, trường thọ, thuận lợi, hạnh phúc, hòa bình, mà còn đẹp ở sự thanh mảnh, cao nhã. Cành mai thường xuất hiện trong mỗi gia đình người Việt Nam và người Trung Quốc mỗi khi tết đến xuân về. Từ mảnh mai trong tiếng Việt cũng thể hiện sự gắn kết giữa mai với vẻ đẹp nữ tính mà người Việt Nam cảm nhận được.
Nếu hoa nở biểu trưng cho niềm vui thì hoa tàn biểu trưng cho nỗi buồn. Hoa nở hoa tàn là quy luật của tự nhiên thì cũng là quy luật của kiếp nhân sinh. Người xưa thông qua hình ảnh này đã gắn kết hoa mai với người phụ nữ để khắc họa đầy đủ những thăng trầm và tuổi xuân ngắn ngủi của cuộc đời họ.
(*Bài viết được Mỹ nghệ Đồng Nhân sưu tầm từ bài nghiên cứu “Ý nghĩa ẩn dụ của tùng, trúc, mai trong tiếng hán và tiếng việt” của Phạm Ngọc Hàm và Lê Thị Kim Dung)