TỨ QUÝ VÀ Ý NGHĨA ẨN DỤ ÍT NGƯỜI BIẾT (PHẦN 2)
Tùng - Cúc - Trúc - Mai tượng trưng cho những tính cách mà con người mong muốn: mạnh mẽ, hiên ngang, kiên trì và dẻo dai. Tuy nhiên, ít người hiểu được ý nghĩa ẩn dụ đằng sau của 4 loài thực vật được chọn là Tứ Quý này. Trong phần trước, Mỹ nghệ Đồng Nhân đã giải thích cho các bạn về ý nghĩa của cây Tùng và Cúc. Hãy cùng Mỹ nghệ Đồng Nhân tìm hiểu về cây Trúc qua bài viết lần này nhé.
Ý nghĩa chữ “trúc”
Chữ 竹 trúc là chữ tượng hình, tái hiện lại hai nhánh trúc vươn cao, hai là số nhiều, biểu trưng cho ý nghĩa trúc mọc thành khóm. Về mặt ý nghĩa, trong hầu hết các bộ từ điển tiếng Hán đều chỉ đưa ra nhiều nhất là ba nghĩa của 竹 trúc, gồm (1) tre trúc; (2) một loại nhạc cụ; (3) họ Trúc. Trúc mọc thẳng, thân chia thành từng đốt đều đặn, đung đưa theo gió, đẹp một vẻ đẹp uyển chuyển. Vì vậy, Trúc còn biểu thị vẻ đẹp của nụ cười duyên dáng.
Ý nghĩa cây “trúc”
Trúc có thể chia 2 loại, loại sinh trưởng trong tự nhiên, cung cấp nguyên vật liệu cho đời sống của con người và một loại cây cảnh. Dù thuộc loại nào, chúng đều có chung đặc điểm là mọc thẳng, giữa các đốt có phân khoảng khá đều và kể cả khi đốt thành tro thì vẫn giữ nguyên dáng thẳng, không bị sức nóng của lửa làm cong như những loại thực vật làm nguyên nhiên liệu khác, trừ trường hợp có sự gia công của con người. Chính vì đặc điểm đó, trúc được dùng để ví với phẩm chất cương trực, dùng để chỉ một trong những chuẩn mực đạo đức của con người, như tiết khí, tiết tháo, tiết hạnh...
Nếu như tùng là biểu tượng của sức mạnh vượt lên đông giá thì trúc lại là biểu trưng của mùa hạ. Những khóm trúc, những lũy tre xanh tươi đung đưa theo gió đã làm dịu đi cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè. Trúc/ tre có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Việt Nam và người Trung Quốc. Trong tiến trình phát triển của lịch sử, trước khi phát minh ra giấy, người Việt Nam và người Trung Quốc đã dùng thẻ tre, vải, lụa,… làm nguyên liệu ghi chép.
Trúc sánh cùng mai biểu trưng cho sự xứng đôi vừa lứa, tình nghĩa gắn bó thủy chung, bền chặt khăng khít giữa bạn bè, vợ chồng. Hình ảnh này còn dùng để diễn tả mối tình của đôi bạn trai gái quen biết nhau từ nhỏ.
Bên cạnh đó, Tre trúc lại vừa là biểu tượng của sức sống bền bỉ, dẻo dai, vừa là biểu trưng cho sự thanh cao, thể hiện khí phách vượt lên phàm tục của con người, gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, mãi mãi khắc sâu trong tâm hồn người Việt Nam, trở thành hình ảnh biểu trưng cho cốt cách tâm hồn và niềm tự hào vô tận của dân tộc Việt Nam.
(*Bài viết được Mỹ nghệ Đồng Nhân sưu tầm từ bài nghiên cứu “Ý nghĩa ẩn dụ của tùng, trúc, mai trong tiếng hán và tiếng việt” của Phạm Ngọc Hàm và Lê Thị Kim Dung)