SỰ TÍCH TAM ĐA - PHÚC LỘC THỌ (Phần 1)
Tam Đa hay Phúc Lộc Thọ là biểu trưng của phước lành, tài lộc và sự trường thọ. 3 vị thần này có lẽ đã không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam, tuy nhiên, câu chuyện về 3 vị thần Tam Đa có lẽ ít ai biết đến. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa Tam Đa qua bài viết dưới đây.
Trong dân gian lưu truyền đến 2 sự tích về 3 vị thần này. Đó là sự tích về “Vua Nghiêu và ba lời chúc”. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một bộ phận dân chúng tin rằng 3 vị thần Phúc Lộc Thọ là những nhân vật có thật trong lịch sử. Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự tích đầu tiên trước.
Vua Nghiêu là ai?
Đế Nghiêu (chữ Hán: 帝堯), còn gọi là Đào Đường Thị (陶唐氏) hoặc Đường Nghiêu (唐堯), là một vị vua huyền thoại của Trung Quốc thời cổ đại, một trong Ngũ Đế.
Vua Đường Nghiêu - vị vua được dân chúng yêu mến và tôn trọng trong lịch sử Trung Hoa
Trong thư tịch cổ, Đường Nghiêu thường được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, lòng nhân từ và sự cần cù của ông được coi là kiểu mẫu cho mọi bậc Đế vương khác của Trung Quốc. Buổi ban đầu lịch sử Trung Hoa, ba gương mặt sáng suốt gồm: Đế Nghiêu, Đế Thuấn và Đại Vũ rất thường được đề cập tới, và những nhà sử học thời sau tin rằng có thể họ đại diện cho những lãnh tụ của các bộ tộc liên minh đã thành lập nên một hệ thống trật tự chính phủ thống nhất trong một giai đoạn chuyển tiếp sang một xã hội phong kiến gia trưởng.
Câu chuyện vua Nghiêu và 3 lời chúc
Có rất nhiều câu chuyện về lòng nhân từ và sự thông thái của ông trong suốt những năm trị vì, điển hình trong số đó là câu chuyện về 3 lời chúc ngày tết ông nhận được từ nhân dân. Ông là vị vua yêu dân như con, nhân dịp tiết xuân đã đi thưởng ngoạn nhằm hiểu thêm về nhân tình thế thái. Đi đến đâu, Hoàng đế cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân. Nhân dân đã chúc tụng nhà vua ba điều:
Một là, kính chúc nhà vua trường thọ, vua Nghiêu không nhận.
Nhân dân lại nói điều hai: Xin cầu chúc nhà vua thật phú quý, nhiều lộc. Nhà vua cũng từ chối và nói tránh đi.
Nhân dân lại chúc tiếp điều thứ ba: Chúc nhà vua sinh nhiều con trai, tỏa phúc ấm cho cả hoàng tộc. Vua Nghiêu vẫn không chấp nhận mà thay mặt triều đình ban những lời chúc tụng đó thành ba điều chúc: “Đa phúc, đa lộc, đa thọ”, gọi là “Tam Đa” cho cả trăm họ.
Vị vua anh minh và thương dân đã không dám nhận những điều tốt đẹp cho riêng mình mà biến nó thành lời chúc danh cho trăm họ. Từ đó, Tam Đa trở thành lời chúc nhau trong những ngày tết đến, xuân sang và đó cũng là lúc có sự xuất hiện của tượng ba ông “Tam Đa”.