NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI BÀY TƯỢNG PHÚC LỘC THỌ
Người Việt Nam ta có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Điều này áp dụng đúng với rất nhiều mặt trong cuộc sống, đặc biệt là về mặt phong thủy. Có lẽ nhiều người không còn xa lạ gì với tượng Phúc Lộc Thọ. Đây là biểu tượng mang lại sức khỏe, may mắn và tài lộc cho gia chủ. Tuy nhiên, giống như nhiều loại tượng phong thủy khác, tượng Phúc Lộc Thọ cũng có những nguyên tắc mà chúng ta nên tuân thủ theo. Dưới đây là 4 điều các nhà phong thủy khuyên gia chủ nên chú ý khi thỉnh tượng Phúc Lộc Thọ về nhà.
Không được tách rời ba tượng Phúc - Lộc - Thọ
Tam Đa hay ba vị thần Phúc Lộc Thọ nói về ba điều cơ bản của một cuộc sống tốt đẹp: phước lành (Phúc), thịnh vượng (Lộc) và trường thọ (Thọ). Mỗi điều tượng trưng cho một vị thần. Khi trưng bày gia chủ nên trưng cả bộ 3 bức. Nếu trong quá trình sử dụng có 1 bức tượng bị hỏng thì nên làm lại bức mới, không nên chỉ bày 2 hay 1 bức vì nó biểu trưng cho hạnh phúc không trọn vẹn.
Không để tượng ở vị trí quá thấp
Tượng Phúc Lộc Thọ tượng trưng cho các vị thần linh đem tới tài lộc và may mắn, yên bình. Vậy nên khi quyết định bày biện loại tượng này, gia chủ nên chú ý tới vị trí để tỏ sự tôn trọng đối với các vị thần. Các chuyên gia phong thủy đều khuyên rằng vị trí tối thiểu để bày tượng Phúc Lộc Thọ là mặt của tượng phải ngang tầm ngực trở lên.
Không để tượng nhìn thẳng ra cửa chính
Có 2 loại tượng cầu an nguy, tài lộc phổ biến trong văn hóa Á Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Đó là tượng chiêu tài và tượng trấn trạch. Các loại tượng phong thủy khác nhau sẽ có cách bày biện khác nhau, dựa theo ý nghĩa tâm linh của chúng.
Tượng trấn trạch như Quan Công, Tượng hổ… sẽ thường đi theo cặp và được bày hướng ra cửa chính để bảo vệ an toàn và giữ tài lộc cho gia chủ. Ngược lại, đối với các loại tượng chiêu tài như tượng Phúc Lộc Thọ, Tỳ hưu, Thiềm thừ… Các nhà phong thủy khuyên rằng gia chủ không nên để tượng nhìn thẳng ra cửa chính. Như vậy sẽ làm thất thoát tài lộc.
Tuyệt đối không vứt bỏ tượng
Nếu trưng tượng mà không muốn thờ cúng thì nên dùng bút lông gạch hình chữ thập (+) dưới đế của tượng. Khi không thờ tượng nữa thì nên mang lên chùa gửi tuyệt đối không đốt, vứt vào nơi ô uế bởi đó là biểu hiện xúc phạm thần linh.