$nbsp;

X

HOTLINE:0916763369
Địa chỉ:22B Đường Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

MỌI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LINH THÚ TRONG VĂN HÓA VIỆT (PHẦN CUỐI)

Linh thú trong văn hóa Việt Nam là những loài vật được tin là có linh tính, là biểu trưng cho các sức mạnh siêu nhiên.Ngoài tứ linh, người Việt cũng tôn vinh và sử dụng một số linh thú khác làm biểu tượng văn hóa và tín ngưỡng. Hãy cùng Mỹ nghệ Đồng Nhân tìm hiểu về một vài linh thú trong văn hóa Việt khác qua bài viết này.

LONG MÃ

moidieucanbietvelinhthutrongvanhoaviet7
 Họa tiết Long mã được khảm trong cung đình Huế

Long mã là hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh thú có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa; cao “8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ”.

Theo truyền thuyết, long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, dưới thời Phục Hi, mình xanh, vằn đỏ, trên lưng có mang bức HÀ ĐỒ (hay MÃ ĐỒ), là sách trời ban cho vua để trị nước. Hà đồ là cơ sở để hình thành lý thuyết về Bát quái sau này. Ngoài ra, long mã còn là linh thú của Phật giáo, bởi nó thường cõng trên lưng LUẬT TẠNG, một trong ba phần cốt tủy của kinh sách nhà Phật (Tam Tạng Kinh).

Ở Huế, hình ảnh long mã xuất hiện nhiều nhất là trên các bức bình phong, một “sản phẩm đặc trưng” của xứ Huế. Đó là hình ảnh con long mã lưng mang HÀ ĐỒ, chân lướt trên sóng nước, đầu vươn tới các tầng mây. Long mã cũng xuất hiện trên các cung môn, miếu môn trong hoàng cung triều Nguyễn và thường đi kèm với các linh thú khác như: rùa, kỳ lân hay chim phượng.

Người Huế thường sử dụng kỹ thuật khảm sành sứ và thủy tinh để tạo hình long mã. Song cũng có những long mã được đắp bằng vôi vữa, hay được vẽ bằng phẩm màu.

NGHÊ

moidieucanbietvelinhthutrongvanhoaviet1

Nhiều ý kiến cho rằng, nghê là linh vật do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của con chó, người bạn thân thiết với người dân Việt Nam. Nếu con chó là vật canh giữ của cải, nhà cửa cho người dân, thì nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ.

Nhiều làng quê ở miền Bắc Việt Nam có các đền miếu thờ chó đá như đền thờ quan Hoàng Thạch ở Địch Đình (Định Vĩ, Đan Phượng, Hà Nội), đền Cẩu Nhi (Hà Nội) hay đền thờ chó ở thôn Tháp (Phụng Công, Bắc Ninh). CHÓ ĐÁ cũng được đặt trước cổng làng, cổng đình, hay cổng nhà để bảo vệ cho cả cộng đồng hay cho gia chủ. Những con chó đá này đã được người Việt linh hiển hóa bằng cách khắc đẽo, thêm thắt những chi tiết trang trí, khiến nó trở nên oai vệ, trang nghiêm và được gọi là con nghê, linh vật bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt. Khác với kỳ lân, con nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, dáng chó, đuôi dài.

Nghê không chỉ xuất hiện trong các làng quê Bắc Bộ mà còn hiện diện trong các kiến trúc cung đình ở Huế. Trước cửa Hiển Nhơn và trước Miếu Môn Thế Tổ Miếu trong Hoàng Thành Huế có hai đôi nghê đá đứng chầu. Khác với hình tượng các con nghê ở đồng bằng Bắc Bộ, hai đôi nghê ở Huế đã được “cung đình hóa” với các chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tạo thành các chòm lông xoắn ở đầu, mang tai và đuôi, xen kẽ các đao lửa ở 4 chân và sống lưng.

VOI

moidieucanbietvelinhthutrongvanhoaviet-8

Voi tượng trưng cho sức mạnh, sự khôn ngoan, thận trọng và là 1 trong 4 con thú đại diện cho sức mạnh và sinh lực bên cạnh hổ, sư tử và báo. Voi cũng là 1 trong 7 báu vật của Phật giáo nên hình tượng của voi xuất hiện nhiều trong kiến trúc và trang trí Phật giáo.

Trước một số đình chùa ở Việt Nam có tượng voi phủ phục ở hai bên như ở trước tam quan chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) hay trước điện Long Châu (miếu Voi Ré) ở Huế. Trong lăng vua Lê Thái Tổ ở Lam Kinh (Thanh Hóa) và lăng của các vua Nguyễn ở Huế đều có tượng voi chầu hầu.

Trước một số đình chùa ở Việt Nam có tượng voi phủ phục ở hai bên như ở trước tam quan chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) hay trước điện Long Châu (miếu Voi Ré) ở Huế. Trong lăng vua Lê Thái Tổ ở Lam Kinh (Thanh Hóa) và lăng của các vua Nguyễn ở Huế đều có tượng voi chầu hầu.

Ngoài ra, người Việt còn sử dụng hình ảnh các loài vật khác như hổ, ngựa, hạc, cá, cóc… để làm biểu tượng như: tượng hổ trong lăng Trần Thủ Độ ở Thái Bình hay hình tượng hổ trên các bức bình phong trong khuôn viên các đền miếu ở Quảng Nam; hình tượng ngựa trong các lăng tẩm các vua ở Huế, hình tượng cá trên bình phong trước đền Trần ở Nam Định, hình tượng chim hạc và cóc trên trống đồng Đông Sơn…

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

**Bài viết được Mỹ nghệ Đồng Nhân sưu tầm từ báo văn nghệ công an của nhà báo Trần Đức Anh Sơn